Khoa Kinh tế - Đại học Mở tổ chức thành công Hội thảo ' Thương mại điện tử trong cách mạng công nghiệp 4.0'

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với nền kinh tế số là yếu tố quan trọng tác động ảnh hưởng lớn đến đời sống, xã hội và cơ cấu của nền kinh tế. Thương mại dần được toàn cầu hóa; công nghệ cao và các mô hình kinh doanh mới ngày càng phát triển. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang trở thành tâm điểm trên toàn xã hội; đây là cuộc cách mạng số thông qua các công nghệ Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), điện toán đám mây (Cloud computing), dữ liệu lớn (Big Data)... để chuyển hóa thế giới thực thành thế giới số, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế, trong đó có thương mại điện tử (TMĐT). Thương mại dần được toàn cầu hóa, công nghệ cao và các mô hình kinh doanh mới ngày càng phát triển. Thông qua buổi hội thảo lần này sẽ giúp các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu và nahf quản lý có thêm những kiến thức chia sẻ về thương mại điện tử hiện nay với những cơ hội và thách thức. Bên cạnh đó sẽ giúp Đại học Mở Hà Nội có thêm cơ sở nghiên cứu mở ngành đào tạo Thương mại điện tử trong thời gian tới.

Sáng ngày thứ 6, 16/11/2018 tại Hội trường A, tầng 02, Đại học Mở Hà Nội, 101B, Nguyễn Hiền, Hai Bà Trưng, Hà Nội đã diễn ra Chương trình hội thảo. Hội thảo lần này Ban tổ chức đón tiếp được nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu và các công ty đang phụ trách về thương mại điện tử. 

Về phía khách mời:

- ThS. Trần Thị Hồng Vân - Phó phòng Nghiên cứu ứng dụng Kinh tế số - Cục Thương mại điện tử & kỹ thuật số - Bộ Công Thương;

- Ông Nguyễn Việt Anh - Giám đốc dự án mạng Thương mại điện tử (Vbuy.vn);

- TS. Trần Thị Thập – Trưởng bộ môn Quản trị kinh doanh - Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.

Về phía Đại học Mở Hà Nội:

- GS.TS. Nguyễn Kim Truy, Chủ tịch hội đồng khoa học trường Đại học Mở Hà Nội;

- TS. Trương Tiến Tùng - Hiệu trưởng trường Đại học Mở Hà Nội;

- TS. Nguyễn Cao Chương - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Mở Hà Nội;

- TS. Dương Thăng Long - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Mở Hà Nội;

Cùng đại diện lãnh đạo các Khoa, Phòng, Trung tâm thuộc Đại học Mở đã tới tham dự.

Về phía Khoa Kinh tế:

- TS. Nguyễn Tiến Hùng - Trưởng khoa;

- TS. Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Trưởng khoa;

Cùng các GS, PGS, TS,... đại diện các thầy cô giáo cùng các em sinh viên Khoa Kinh tế - Đại học Mở Hà Nội.

TS. Trương Tiến Tùng - Hiệu trưởng nhà trường chủ tọa điều hành buổi hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Trương Tiến Tùng - Hiệu trưởng Nhà trường đã khẳng định Thương mại điện tử là xu hướng của thời đại toàn cầu hóa, các ngành nghề đang có nhiều thay đổi và những định hướng phát triển trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Thương mại điện tử là một trong những giải pháp thức đẩy sự phát triển của nền kinh tế của mọi quốc gia. Đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trong đào tạo cũng như việc tìm kiếm các tài nguyên số. TS Trương Tiến Tùng rất mong muốn qua buổi hội thảo này được lắng nghe những ý kiến đóng góp chia sẻ những kinh nghiệm từ các nhà quản lý và cán bộ giảng viên, nhà doanh nghiệp để Viện Đại học Mở có cái nhìn tổng thể hơn và để rút kinh nghiệm cũng như việc mở ngành Thương mại điện tử trong năm 2019.

Hội thảo đã được nghe tham luận “Tổng quan tình hình phát triển TMĐT tại Việt Nam” do ThS. Trần Thị Hồng Vân - Phó phòng Nghiên cứu ứng dụng  Kinh tế số - Cục Thương mại điện tử & kỹ thuật số - Bộ Công Thương trình bày. Tham luận cho rằng phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm cả các doanh nghiệp ngành Công Thương, còn chưa có chiến lược cũng như đầu tư thích đáng để khai thác các ứng dụng TMĐT theo chiều sâu. Chính vì vậy, nhu cầu chuyển đổi số, phát triển TMĐT của doanh nghiệp trong nền kinh tế số sẽ là tiềm năng để giúp các doanh nghiệp chuẩn bị sẵn sàng để bắt kịp những tiến bộ công nghệ mới về TMĐT của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0).

Tiếp theo là tham luận “Thúc đẩy TMĐT - Giải pháp quan trọng nhằm hoàn thiện chính sách xúc tiến TM tại làng nghề thủ công mỹ nghệ Việt Nam” của TS. Nguyễn Thị Thu Hường - Đại học Mở Hà Nội. Tham luận viết: Mặt hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam đã có chỗ đứng trên thị trường thế giới, được xuất khẩu trên 163 quốc gia, vùng lãnh thổ. Mặc dù đã và đang có những đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, cũng như nhiều lợi ích kinh tế xã hội khác, song các làng nghề thủ công mỹ nghệ hiện nay vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát triển và mở rộng thị trường. Để góp phần phát triển thị trường làng nghề Việt Nam, Nhà nước cần áp dụng tổng hợp các giải pháp quản lý như các chính sách, luật pháp và trong đó thúc đẩy thương mại điện tử (TMĐT) là giải pháp quan trọng nhằm hoàn thiện  chính sách xúc tiến thương mại phát triển làng nghề thủ công mỹ nghệ Việt Nam.

Trong buổi hội thảo các đại biểu là các nhà quản lý, nhà khoa học được nghe những kinh nghiệm cụ thể của doanh nghiệp đang đặt ra trong giai đoạn hiện này là “Yêu cầu và nhu cầu nguồn nhân lực TMĐT” do Ông Nguyễn Việt Anh - GĐ dự án mạng TMĐT (Vbuy.vn) trình bày. Ông đưa ra các yêu cầu đối với nhân lực thương mại điện tử ở Việt Nam hiện nay cũng như nhu cầu về nguồn nhân lực TMĐT.

Phần quan trọng nhất là đại biểu được nghe từ TS. Trần Thị Thập - Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông chia sẻ “Kinh nghiệm mở ngành và tổ chức đào tạo TMĐT tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông”. TS đã phân tích Dự thảo Chuẩn đầu ra cử nhân ngành TMĐT của Đại học Mở Hà Nội so sánh với chuẩn đầu ra của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông và đưa một số khuyến nghị cho Trường Đại học Mở Hà Nội 

Hội thảo đã nghe tóm tắt sơ lược “Dự thảo Chuẩn đầu ra cử nhân ngành TMĐT – ĐH Mở Hà Nội” do TS. Nguyễn Tiến Hùng - ĐH Mở Hà Nội trình bày. Dự thảo đưa ra các yêu cầu về kiến thức, năng lực, yêu cầu về kĩ năng, yêu cầu về đạo đức đối với cử nhân ngành thương mại điện tử. Dự thảo cũng xác định các vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp của cử nhân ngành thương mại điện tử ĐH Mở Hà Nội. Trong Dự thảo cũng trình bày khả năng học tập và nâng cao trình độ sau khi tốt nghiệp cũng như điều kiện tốt nghiệp và cách thức đánh giá đối với cử nhân ngành thương mại điện tử của Đại học Mở Hà Nội.

Kết thúc chương trình TS. Nguyễn Tiến Hùng - Trưởng Khoa Kinh tế phát biểu tổng kết Hội thảo với các vấn đề: Sự phát triển của thương mại điện tử trong nền kinh tế mang tính cấp thiết, khách quan; Số lượng và chất lượng đội ngũ nhân lực thương mại điện tử ở Việt Nam hiện tại đang còn thiếu và yếu và dự thảo Chuẩn đầu ra cử nhân ngành TMĐT – ĐH Mở Hà Nội đã được các chuyên gia đóng góp cho ý kiến. Ban tổ chức đã ghi chép đầy đủ và tổng hợp để Nhà trường nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện Dự thảo.

Một số hình ảnh của buổi hội thảo

Các đại biểu tham dự

GS.TS Nguyễn Kim Truy - Chủ tịch hội đồng tư vấn khoa học Đại học Mở phát biểu về hướng đào tạo TMĐT

GS.TS Nguyễn Kim Truy - Nguyên Trưởng Khoa Công nghệ thông tin - Đại học Mở Hà Nội phát biểu về các yêu cầu cần thiết của TMĐT

PGS.TS Phan Trọng Phức - Nguyên Phó Viện trưởng , Nguyên trưởng Khoa Kinh tế - Đại học Mở Hà Nội

Các đại biểu tham dự chụp ảnh kỳ niệm

(Lượt Xem:307)
Tin liên quan