TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI CỦA DOANH NGHIỆP TẠI CÔNG TY CỔ PHẦN SỮA VIỆT NAM VINAMILK

Nhóm tác giả : Nguyễn Thị Chinh, Trần Minh Châu, Đồng Thị Mai

GVHD: TS. Nguyễn Thị Thu Hường

Email: nguyenchinh.yb97@gmail.com 

* Bài viết được đăng tại Kỷ yếu Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học - Viện Đại học Mở Hà Nội năm 2017

** Việc sao chép một phần hay toàn bộ tác phẩm phải được sự đồng ý của tác giả.

 

1. Tính cấp thiết của việc thực hiện đề tài:

 Trách nhiệm xã hội là một yêu cầu đối với doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không thực hiện được trách nhiệm xã hội thì rất khó để tiếp cận được với thị trường thế giới. Kinh nghiệm cho thấy, những công ty đa quốc gia hàng đầu thế giới, những người khổng lồ rất thành công trong việc kinh doanh cũng đồng thời là những công ty thực hiện trách nhiệm xã hội cực kỳ tốt.

 Trên thế giới, khái niệm trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp không hề mới; đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về trách nhiệm cũng như các công ty nước ngoài từ lâu đã thực hiện trách nhiệm xã hội một cách nghiêm túc và bài bản. Tuy nhiên, ở Việt Nam, CSR vẫn còn là một vấn đề khá mới mẻ đối với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, với người tiêu dùng và toàn xã hội nói chung.

 Nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (số liệu năm 2012) đã chỉ ra đa phần các doanh nghiệp Việt Nam chưa hiểu đúng về trách nhiệm xã hội. Các doanh nghiệp vẫn có vẻ chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa và ảnh hưởng của trách nhiệm xã hội tới bản thân doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam. Theo thống kê của Viện này thì mới chỉ có 36% doanh nghiệp được hỏi trả lời có bộ phận giám sát thực hiện trách nhiệm xã hội. Và khoảng 2% doanh nghiệp nói họ hiện đang là thành viên của nhóm thực hiện các tiêu chuẩn CS (tiêu chuẩn Việt Nam). Cũng trong hai năm 2011 và 2012, 28% số doanh nghiệp chấp hành bảo vệ môi trường, 5% DN thừa nhận có đóng góp cho sự nghiệp chăm sóc y tế… Đó là thực trạng buồn về trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp Việt Nam.

 Năm 2009, Việt Nam đã trở thành một trong những nước đạt mức thu nhập trung bình, mức thu nhập bình quân đầu người năm 2013 đạt gần 2.000 USD. Sự nghèo đói đã giảm nhiều, Việt Nam đã là thành viên của nhiều tổ chức trong khu vực và quốc tế và hiện đang đàm phán hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Sự hội nhập quốc tế một cách toàn diện và sâu rộng sẽ đem lại nhiều thách thức mới cho doanh nghiệp Việt Nam, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tái cấu trúc và chuyển dịch nền kinh tế..

 Đồng thời với nó là những đòi hỏi ngày càng tăng từ các công ty quốc tế, các nhà nhập khẩu hàng hóa Việt Nam và người tiêu dùng đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tuân thủ các chuẩn mực toàn cầu về an toàn lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, bảo vệ môi trường. Trong khi đó tại Việt Nam thì 97% trong tổng số doanh nghiệp là doanh nghiệp vừa và nhỏ, ở đó còn tồn tại nhiều hạn chế trong việc đảm bảo môi trường lao động, phúc lợi lao động cho người lao động và thực hiện những trách nhiệm cần thiết của doanh nghiệp đối với xã hội.

 Trách nhiệm xã hội là quan trọng và cấp thiết nhưng tại Việt Nam vấn đề này vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức từ phía nhà nước, xã hội và giới doanh nghiệp; việc thực hiện trách nhiệm xã hội đối với doanh nghiệp còn nhiều khó khăn bởi DN chưa nhận thức đúng đắn về trách nhiệm xã hội.

 Nhằm giải quyết khó khăn trên nhóm nghiên cứu lựa chọn đề tài “ Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp tại Công ty Cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk” làm đối tượng nghiên cứu. Từ đó, đưa ra những phân tích đúng đắn về trách nhiệm xã hội tại Việt Nam, cũng như vai trò và ý nghĩa của việc thực hiện trách nhiệm xã hội với DN. Với việc cụ thể hóa khách thể nghiên cứu là Công ty Cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk nhóm nghiên cứu  hy vọng có thể đóng góp một góc nhìn mới và cụ thể hơn về trách nhiệm xã hội tại Việt Nam, đặc biệt là trách nhiệm xã hội trong một công ty lớn và có uy tín như Vinamilk.

2. Mục tiêu đề tài:

- Khái quát hóa cơ sở lý luận và thực tiễn về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp tại Công ty Cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk.

- Lựa chọn khung lý thuyết phù hợp đề đánh giá hiệu quả  thực hiện trách  nhiệm xã hội của doanh nghiệp tại Công ty Cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk. Trên cơ sở đó phân tích và đánh giá thực trạng  trách  nhiệm xã hội của doanh nghiệp tại Công ty Cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk (chỉ ra những thành tựu, hạn chế và nguyên nhân của hạn chế trong việc  thực hiện trách  nhiệm xã hội của doanh nghiệp).

- Đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp tại Công ty Cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk trong thời gian tới.

3. Cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu:

Để thực hiện đề tài này chúng tôi tiến hành thu thập thông tin, dữ liệu về thực trạng thực hiện trách nhiệm xã hội của công ty cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk. Từ đó phân tích các mặt hạn chế và đưa ra giải pháp nâng cao chất lượng thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Trong khi triển khai từng nội dung đề tài có sử dụng một số các phương pháp sau đây:

- Kết hợp các phương pháp phân tích, so sánh, tổng hợp.

- Phương pháp mô hình hóa và sơ đồ hóa.

4. Đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu:

- Đối tượng: Vấn đề thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

- Phạm vi nghiên cứu: Công ty cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk.

5. Nội dung đề tài nghiên cứu:

Nội dung của đề tài được chia làm 3 phần:

Chương 1: Những vấn đề lý luận và kinh nghiệm thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Chương 2: Thực trạng về thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp tại Công ty Cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk.

Chương 3: Giải pháp nâng cao hiệu quả trách nhiệm xã hội đối với Công ty Cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk.

6. Từ khóa

Trách nhiệm, doanh nghiệp, xã hội, người lao động, người tiêu dùng, cộng đồng, môi trường, nguồn vốn.

 

Kết quả nghiên cứu và khả năng ứng dụng

(Xem thêm tại Kỷ yếu Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học - Viện Đại học Mở Hà Nội năm 2017)

 

(Lượt Xem:744)
Tin liên quan