Ngành thương mại điện tử với nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp hiện nay

Công nghệ ngày càng phát triển và đa dạng, kéo theo đó là nhiều loại hình kinh doanh xuất hiện, trong đó việc bán hàng thông qua công nghệ dần trở nên phổ biến. Theo đó, cụm từ “Thương mại điện tử” được khai sinh và trở nên quen thuộc trong thời đại số như hiện nay chính là hệ quả của công nghệ hiện đại.

Thương mại điện tử là quá trình tiến hành một phần hay toàn bộ hoạt động thương mại thông qua những phương tiện điện tử hiện đại. Về bản chất, thương mại điện tử giống như thương mại truyền thống thông qua khái niệm “mua bán”. Tuy nhiên, bằng các phương tiện điện tử mới, các hoạt động giao dịch, quảng bá, thậm chí là thanh toán được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả hơn, giúp tiết kiệm chi phí và mở rộng phạm vi kinh doanh.

Trong thời gian qua, diễn biến của dịch Covid-19 đã và vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến giao thương hàng hóa cũng như tác động đến nhu cầu người tiêu dùng, ngoài ra còn làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Được cho là ngành nghề sẽ phát triển mạnh mẽ nhờ cơ hội này, “Thương mại điện tử” đang phát triển mạnh mẽ hơn để giữ vững nền kinh tế của nước nhà.

XU THẾ CHỦ ĐẠO LOGISTICS VIỆT NAM: BÙNG NỔ LOGISTICS TRONG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

Chỉ trong khoảng thời gian ngắn cả Logistics và Thương mại điện tử ở Việt Nam đã chứng kiến những bước tiến rõ rệt. Nếu như những năm 50 thế kỉ 20, logistics chủ yếu là việc lưu chuyển hàng hóa tại nơi tác nghiệp trực tiếp thì giờ đây, logistics đã mở rộng tầm bao quát, đóng vai trò phối hợp giữa các cơ sở sản xuất để lưu chuyển hàng hóa giữa các cơ sở sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nối kết từ nhà cung ứng đến người tiêu dùng cuối cùng. Và khi khối lượng hàng hóa thương mại điện tử ngày càng lớn, logistics đóng vai trò như là trụ cột của thương mại điện tử.

Theo công bố mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đang xếp ở vị trí 39 với điểm số LPI (Logistics performance index - chỉ số năng lực quốc gia về logistics) được cải thiện đáng kể: 3.27, xếp thứ 3 trong khối ASEAN (sau Singapore vị trí 7 và Thái Lan vị trí 32) bảng xếp hạng hoạt động logistics 2018, được đánh giá là có hiệu suất dịch vụ logistics tốt hơn hẳn các thị trường có mức thu nhập tương đương.

Chúng ta có rất nhiều lợi thế để phát triển ngành logistics:

  • Trao đổi thương mại toàn cầu gia tăng cùng với việc hội nhập kinh tế quốc tế và việc ký kết thành công các Hiệp định tự do thương mại
  • Vị trị địa lý thích hợp để xây dựng các trung tâm trung chuyển của khu vực Đông Nam Á
  • Cơ sở hạ tầng: kho bãi, đường cao tốc, cảng biển, cảng hàng không được cải thiện.

Với những thuận lợi như vậy, sự phát triển logistics sẽ tạo điều kiện để Việt Nam nhanh chóng trở thành một trung tâm sản xuất mới trong khu vực có khả năng cạnh tranh với các nước khác. Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu, nắm tốt thời cơ, doanh nghiệp logistics cần phải liên kết để có được một chuỗi dịch vụ khép kín và đồng bộ.

Sự gia tăng lưu lượng hàng hóa giao dịch qua các kênh trực tuyến khiến nhu cầu vận tải và logistics, đặc biệt là dịch vụ giao hàng nhanh tăng cao. Quy mô thị trường thương mại điện tử năm 2017 đạt 6,2 tỉ USD, tăng trưởng 24%, số lượng đơn hàng qua công ty giao hàng nhanh tăng trưởng trung bình 45% giai đoạn 2015 – 2020 và có thể đạt 530 triệu đơn hàng vào năm 2020.

Nhiều doanh nghiệp ngành bán lẻ đang định hướng phát triển E-commerce, hay việc các ông lớn ngành thương mại điện tử như Alibaba, Amazon… gia nhập vào Việt Nam đã làm thị trường logistics sôi động hơn, đi kèm theo đó là yêu cầu phải có sự đầu tư công nghệ và độ kỹ lưỡng trong dịch vụ vận tải và logistics.

Cơ hội để thương mại điện tử phát triển

Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát và lây lan nhưng các hình thức thương mại điện tử (TMĐT) vẫn được kỳ vọng sẽ tạo đột phá khi có cơ hội thay đổi thói quen người dùng. Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo về nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ tiền mặt, khuyên người dân nên chuyển sang các dạng thức thanh toán điện tử.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu các ngân hàng phải thực hiện khử trùng, sát khuẩn, vệ sinh thường xuyên tại các khu vực giao dịch tiền mặt, kho quỹ và các máy giao dịch tự động (ATM). Đồng thời có biện pháp vệ sinh khử trùng tiền mặt (bó, bao) thu về trước khi nhập kho cuối ngày hoặc trước khi nộp về Ngân hàng Nhà nước…

Theo các chuyên gia tài chính, đây cũng chính là lúc để khuyến khích người dân tăng cường sử dụng thanh toán điện tử thay vì thói quen dùng tiền mặt. Từ đó sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động TMĐT tại Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế Đỗ Hòa, Giám đốc Công ty tư vấn Tinh Hoa Quản Trị, đánh giá sự tăng trưởng của các dịch vụ giao nhận hàng hóa, giao nhận thức ăn... mùa dịch bệnh là mang tính tình huống, trong bối cảnh mọi người hạn chế ra ngoài và buộc phải tìm đến các dịch vụ “làm giùm”. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, nếu các doanh nghiệp chứng minh được chất lượng, sự tiện lợi thì người tiêu dùng sẽ dần thay đổi thói quen, chuyển sang các dịch vụ trực tuyến, giao lưu TMĐT nhiều hơn. Đây là cơ hội để các công ty công nghệ giới thiệu sản phẩm của mình tới những đối tượng khách hàng mới, đồng thời nâng cấp, đa dạng dịch vụ để phục vụ tốt hơn nhóm đối tượng khách hàng thân quen.(Theo báo thanhnien.vn)

Thị trường biến động kéo theo nhiều thiệt hại, bất lợi nhưng cũng mở ra cơ hội cho một số ngành nghề, đặc biệt là các dịch vụ trực tuyến. Các dịch vụ giao nhận trực tuyến mang lại sự tiện lợi, nhanh chóng cho người dùng và còn giúp các hệ thống đối tác nhà hàng, quán ăn có được doanh thu, nguồn tiền cầm cự trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Bên cạnh đó, người dùng không chỉ thay đổi thói quen mua hàng mà còn thay đổi cả thói quen thanh toán. Hạn chế tiếp xúc, hạn chế sử dụng tiền mặt, đây là cơ hội để vận động người dân, phát triển thanh toán trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt.

VỊ CỨU TINH CỦA CÁC DOANH NGHIỆP

Những ngày qua thay vào sự ế ẩm của quán ăn, nhà hàng, siêu thị là sự gia tăng của các đơn hàng online. Kết quả khảo sát về phản ứng và hành xử của người tiêu dùng trước dịch Covid-19 vừa được Nielsen Việt Nam công bố cho thấy, người Việt Nam hiện nay dành nhiều thời gian hơn trên mạng và mua sắm trực tuyến. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến sự tăng trưởng mạnh của TMĐT.

Cụ thể, nếu như năm 2019, TMĐT chỉ chiếm 5% giá trị bán lẻ, tuy nhiên, hiện có tới 76% người tiêu dùng mua sắm ít nhất 1 lần trong 3 tháng qua và đạt mức tăng trưởng hơn 20% năm. Nguyên nhân là do dịch Covid - 19 đang ảnh hưởng đến hành vi mua sắm, người tiêu dùng hạn chế đi đến siêu thị, trung tâm mua sắm..., vì vậy bán hàng online ngày càng phát triển.

Thực tế cho thấy mua bán online không chỉ mang lại sự tiện lợi, nhanh chóng cho người dùng mà còn giúp các nhà hàng, quán ăn có được doanh thu cầm cự trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Đánh giá về xu hướng phát triển của TMĐT Việt Nam trong thời gian tới, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết: TMĐT đã sớm du nhập, hiện đã phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, ngoài ra Việt Nam còn nhiều điều kiện để TMĐT phát triển, như dân số trẻ, quan tâm tới internet. Ngoài ra các dịch vụ đã có những thuận lợi nhất định, nhất là vấn đề giao hàng tận nơi, ưng ý thì mới trả tiền. Chưa kể dịch bệnh lây lan cũng là cơ hội, động lực để các DN tập trung phát triển TMĐT. Phân tích việc TMĐT có thêm cơ hội phát triển, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế T.Ư cho biết: Thị trường TMĐT Việt Nam rất tiềm năng. Việc sử dụng các thiết bị IT, đặc biệt là điện thoại thông minh, cộng với cơ sở hạ tầng về IT cho phép Việt Nam có một nền tảng khá tốt. Trên thực tế, TMĐT đã phát triển khá nhanh trong những năm qua và Việt Nam là một trong những nước phát triển TMĐT nhanh nhất Đông Nam Á. (Theo kinhtedothi.vn)

"Dịch Covid -19 tác động tiêu cực đến đa số lĩnh vực, tuy nhiên có thể xem nó là chất xúc tác, cú hích cho phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam. Trong chỉ thị của Thủ tướng về tháo gỡ khó khăn cho DN cũng lưu ý về việc thúc đẩy phát triển TMĐT. Đây là xu thế của công cuộc chuyển đổi số." - (Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành)

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia ngành bán lẻ, mặc dù TMĐT vẫn còn những “hạt sạn” cần loại bỏ nhưng dịch Covid-19 có thể xem là dịp để thị trường bán lẻ chuyển dịch từ mua bán truyền thống sang Thương mại điện tử. Đồng thời cũng là cơ hội để các doanh nghiệp đẩy mạnh chiến lược truyền thông kỹ thuật số tạo nên dấu ấn mạnh mẽ.

Bài viết được sinh viên Nguyễn Hồng Phương (thủ khoa đầu vào ngành Thương mại điện tử - Khoa Kinh tế) nghiên cứu và tổng kết.

Sinh viên Nguyễn Hồng Phương - đang trong giờ học online tại nhà

Một chàng sinh viên luôn gương mẫu trong học tập và quyết tâm chinh phục cuộc thi Olympic Tin học năm nay

-PVT-

(Lượt Xem:254)
Tin liên quan