1.1. Quá trình hình thành và phát triển:
Khoa Kinh tế được thành lập theo Quyết định số 2653/QĐ-BGDĐT ngày 01/12/1993 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo với chức năng giảng dạy, nghiên cứu khoa học ngành Quản trị kinh doanh & Kế toán và phục vụ cộng đồng.
1.2. Cơ cấu tổ chức của Khoa:
Bộ máy tổ chức của Khoa Kinh tế hiện nay bao gồm Chi bộ, Ban lãnh đạo Khoa, Tổ Công đoàn, ĐTN-HSV, các bộ phận, bộ môn.
1.3. Hoạt động của Khoa Kinh tế
Khoa Kinh tế đã tiến hành hoạt động đào tạo và bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, tổ chức cán bộ, ổn định cơ sở vật chất và tài chính… đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng cũng gặp không ít những khó khăn và hạn chế cần khắc phục.
1.3.1. Hoạt động đào tạo và bồi dưỡng
Khoa Kinh tế đã liên tục phát triển về mọi mặt: mở rộng quy mô, đa dạng hóa trình độ đào tạo cũng như đa dạng hóa các loại hình đào tạo. Qua khảo sát nhu cầu lao động đa dạng của xã hội, tham khảo ý kiến của chuyên gia và các bên liên quan, Trường đã phê duyệt chuẩn đầu ra ngành QTKD, Kế toán và Quản trị kinh doanh. Trên cơ sở đó, chương trình đào tạo Đại học theo hệ thống tín chỉ đã được Khoa chỉnh sửa, cập nhật căn cứ theo khung chương trình của Bộ Giáo dục và đào tạo, thể hiện tính cơ bản, hiện đại, phù hợp với yêu cầu của thực tế, đáp ứng được “Chuẩn đầu ra”. Khoa thường xuyên tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung cập nhật và đổi mới nội dung chương trình phù hợp với thực tiễn và yêu cầu của các cơ quan sử dụng nhân lực, có tham khảo các chương trình của một số trường nước ngoài. Khoa định kỳ đã tổ chức hội nghị, hội thảo về đổi mới giáo trình, đổi mới phương pháp giảng dạy và tăng cường ứng dụng công nghệ trong giảng dạy.
Đào tạo chính quy của Khoa đảm bảo được chất lượng dạy và học, thu hút đông đảo sinh viên theo học với mức điểm đầu vào từ 21 đến 25 điểm. Số sinh viên nhập học hằng năm luôn đạt chỉ tiêu. Khoa đang tiếp tục duy trì các hình thức đào tạo khác như Liên thông, Văn bằng 2, Song bằng, vừa làm vừa học và một số chương trình đào tạo, bồi dưỡng cấp chứng chỉ ngắn hạn như bồi dưỡng kế toán trưởng, kế toán viên, QTKD, Thương mại điện tử trong Hội nhập kinh tế quốc tế, kỹ năng mềm…
Sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng chuyên ngành đào tạo, thu nhập ổn định. Nhiều cựu sinh viên tốt nghiệp của Khoa hiện đang giữ các vị trí quan trọng trong các doanh nghiệp, cơ quan và chính quyền các cấp. Theo khảo sát của Trường, 90% sinh viên tốt nghiệp ngành QTKD và Kế toán ra trường có năng lực, kiến thức, kỹ năng và phẩm chất đạo đức làm việc đúng ngành, nghề được đào tạo. Cũng theo khảo sát cựu sinh viên của Khoa Kinh tế, 82,3% cựu sinh viên chính quy và song bằng đánh giá tốt về chất lượng đào tạo của Khoa và 85,7% cựu sinh viên văn bằng 2 đánh giá khá về chất lượng đào tạo. Theo khảo sát giảng viên của Khoa Kinh tế, 90% đánh giá chất lượng đào tạo vừa học vừa làm và từ xa ở mức độ đạt yêu cầu, nguyên nhân chủ yếu do đặc điểm của đối tượng học.
1.3.2. Hoạt động Nghiên cứu Khoa học
Ngoài đào tạo và bồi dưỡng, Khoa rất chú trọng đẩy mạnh hoạt động Nghiên cứu khoa học giảng viên và sinh viên. Từ năm 2017 đến 2022, cán bộ giảng viên trong Khoa đã tham gia nhiều đề tài NCKh các cấp với kết quả nghiên cứu có tính ứng dụng cao, phục vụ tích cực cho công tác đào tạo.
Hàng năm, hội nghị nghiên cứu khoa học sinh viên được tổ chức ở cấp Khoa và cấp Trường, những đề tài xuất sắc nhất được giới thiệu lên cấp Bộ.
Bên cạnh đó, cán bộ, giảng viên của Khoa liên tục công bố các bài viết tại các tạp chí; tham dự các hội thảo, hội nghị khoa học quốc tế và cấp viện.
1.3.3. Nhiệm vụ tổ chức cán bộ
Tính đến tháng 12/2022, Chi bộ Khoa có 12 Đảng viên, Khoa có 57 giảng viên cơ hữu và thường xuyên, trong đó có 01 PGS, 22 Tiến sĩ. Tổ chức Công đoàn, Đoàn TNCS HCM, Hội Sinh viên, thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ. Đội ngũ cán bộ quản lí chủ chốt của Khoa là những cán bộ có phẩm chất chính trị và năng lực chuyên môn tốt, có ý thức kỉ luật và tinh thần trách nhiệm. Công tác cán bộ được quan tâm đúng mức, có quy hoạch phát triển, bồi dưỡng, bổ nhiệm đúng quy trình, quy chế đã quy định.
Khoa tăng cường đào tạo và bồi dưỡng giảng viên, cán bộ quản lí đáp ứng chất lượng đào tạo; có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các giảng viên cơ hữu nâng cao trình độ. Khoa có 3 viên chức đang theo học nghiên cứu sinh; 3 cán bộ theo học văn bằng 2 Tiếng Anh để nâng cao trình độ ngoại ngữ; 5 cán bộ quản lí giảng viên và chuyên viên tham gia các khóa học do chuyên gia Hàn Quốc đào tạo và nhiều lượt người tham gia tập huấn nâng cao trình độ khác. Hàng năm, Khoa tổ chức đánh giá cán bộ, viên chức theo quy định. Chế độ, chính sách đối với viên chức được thực hiện theo đúng quy định nhà nước. Việc giải quyết chế độ bảo hiểm, chế độ thai sản, nghỉ dưỡng sức thai sản thực hiện đúng theo quy định.
1.3.4. Hoạt động ổn định cơ sở vật chất và tài chính
Về cơ sở vật chất, ngoài 01 văn phòng đặt tại trụ sở tại Nhà B101, Nguyễn Hiền, Bách Khoa, Hai Bà Trưng, Hà Nội với diện tích hết sức hạn hẹp, Khoa Kinh tế có khu giảng đường đặt tại tòa nhà C – số 193 Phố Vĩnh Hưng, Hoàng Mai Hà Nội để tổ chức giảng dạy chuyên môn. Đào tạo giáo dục quốc phòng và giáo dục thể chất tại cơ sở Long Hưng, Văn Giang, Hưng Yên. Khoa không ngừng cải thiện môi trường học đường, nâng cấp trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập, đầu tư 45 máy vi tính nối mạng, máy chiếu phòng học, bổ sung đầu sách mới cho thư viện truyền thống, cập nhật thư viện điện tử, học liệu cần thiết khác cung cấp cho sinh viên.
Về tài chính, Khoa Kinh tế được phân cấp quản lý theo cơ chế quản lí tài chính tập trung. Nguồn thu chủ yếu của Khoa từ học phí, lệ phí, hoạt động thu phí đào tạo thực hiện theo quy định của Nhà nước và quy chế chi tiêu nội bộ. Thu nhập bình quân của cán bộ, giảng viên và người lao động tăng 1,5 lần so với lương cơ bản. Công tác tài chính công khai, minh bạch và đã có tích lũy vào sự phát triển chung, Báo cáo tài chính hằng năm được thông qua tại Hội nghị cán bộ viên chức. Hoạt động tự kiểm tra tài chính, kế toán nội bộ theo quy định của Bộ Tài chính.