TÊN NGÀNH: QUẢN TRỊ KINH DOANH
MÃ NGÀNH: 7340101
KHOA: KINH TẾ
Website: http://kinhte.hou.edu.vn/
Chuẩn đầu ra: CDRQTKD2020.pdf
Khung chương trình ngành Quản trị kinh doanh: CTDTQTKD2020.pdf
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, việc đào tạo nhân lực ngành quản trị kinh doanh được chú trọng ở mọi quốc gia với nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn. Quản trị kinh doanh là ước mơ nghề nghiệp hấp dẫn và đắt giá dành cho những bạn trẻ năng động, yêu ngành và muốn làm giàu chính đáng bởi “đất dụng võ” đang ngày một mở rộng, đặc biệt trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam những năm gần đây. Quản trị kinh doanh là ngành học khai phá tiềm năng quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh… của mỗi cá nhân người học.
1. Các khu vực kinh tế phù hợp với ngành Quản trị kinh doanh:
Sinh viên ngành Quản trị kinh doanh sau khi tốt nghiệp có cơ hội làm việc tại tất cả các đơn vị/công ty trên cả nước (và quốc tế). Mỗi tổ chức đều có hoạt động kinh doanh. Chỉ riêng Việt Nam đã có hàng trăm nghìn doanh nghiệp. Do đó, cơ hội nghề nghiệp khi theo học ngành này của sinh viên là không nhỏ.
Với các kiến thức về chuyên môn, cùng các kỹ năng được đào tạo tại Khoa Kinh tế Viện Đại học Mở Hà Nội, bạn có thể đảm nhiệm nhiều vị trí công việc khác nhau liên quan đến hoạt động kinh doanh của tổ chức ở nhiều khu vực như:
- Khu vực sản xuất: nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, khai mỏ và khai khoáng.
- Khu vực công nghiệp và xây dựng
- Khu vực dịch vụ: giao thông, tài chính, du lịch, giải trí…
- Khu vực tri thức gồm giáo dục, nghiên cứu và phát triển, thông tin, tư vấn.
2. Mô tả khái quát về một số nghề trong Quản trị kinh doanh:
Sinh viên ngành Quản trị kinh doanh sau khi tốt nghiệp có cơ hội làm việc tại nhiều vị trí, từ nhân viên/chuyên viên đến trưởng nhóm, trưởng phòng, giám đốc… ở nhiều bộ phận của các doanh nghiệp, tổ chức như:
2.1 Kinh doanh - Sales:
- Nhân viên bán hàng/đại diện bán hàng (Salesman/ Sales Representatives): Là vị trí tiếp xúc trực tiếp với khách hàng nhiều nhất. Họ chịu trách nhiệm tìm kiếm, kết nối, giao dịch và chăm sóc khách hàng, lên kế hoạch bán hàng, phát triển khách hàng,…
- Giám sát bán hàng (Supervisor): Là người quản lí một khu vực thị trường nhỏ với công việc chính là xây dựng kế hoạch bán hàng, xây dựng và quản lý đội ngũ nhân viên bán hàng.
- Phụ trách bán hàng khu vực (Area Sales Maneger): thường quản lý từ 3-5 Supervisor, chịu trách nhiệm lập kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch xúc tiến và bán hàng cho khu vực thị trường mình phụ trách; lên kế hoạch và tham gia tuyển dụng, đào tạo, huấn luyện nhân viên; theo dõi khách hàng hiện có, phát triển khách hàng mới; báo cáo và theo dõi doanh số bán sản phẩm định kỳ; phân tích số liệu bán hàng, chất lượng sản phẩm và so sánh với sản phẩm cạnh tranh nhằm đề xuất giải pháp phát triển thị trường; và những công việc khác.
- Xuất nhập khẩu (kinh doanh quốc tế)
2.2. Nhân sự - Tổ chức hành chính:
Người làm nghề nhân sự là làm những nhiệm vụ công việc nhằm khai thác và sử dụng nguồn lao động của một tổ chức hay một công ty một cách hợp lý và hiệu quả.
- Nhân viên tuyển dụng thực hiện các công việc như tuyển nhân viên và sắp xếp công việc, phân chia việc làm cho nhân viên. Người tuyển dụng duy trì mối liên hệ trong cộng đồng từ các trường cao đẳng cho đến đại học để tìm ra những ứng cử viên triển vọng cho công việc. Nhân viên tuyển dụng phải sàng lọc, phỏng vấn, và đôi khi phải kiểm tra các ứng cử viên. Những nhân viên này cũng giải quyết những vấn đề liên quan đến sự công bằng về quyền lợi giữa các nhân viên hoặc cơ hội thăng tiến của nhân viên trong những tổ chức lớn. Họ kiểm tra và giải quyết những phàn nàn, kiểm tra và kết hợp các nguyên tắc để đưa ra sự can thiệp cần thiết, đồng thời họ cũng biên soạn và trình những bản báo cáo thống kê về vấn đề này. Tương tự như vậy, phỏng vấn viên là người giúp kết nối các yêu cầu của công ty với những người tìm việc đủ tiêu chuẩn.
- Nhân viên lương thưởng và phúc lợi quản lý hệ thống tiền lương, các khoản tiền liên quan đến thu nhập của người lao động. Họ lập kế hoạch chăm lo phúc lợi và đời sống nhân viên, quản lý hợp đồng lao động, hồ sơ nhân viên. họ thường quản lý hệ thống đánh giá hoạt động của công ty, thiết kế chế độ khen thưởng như tiền thưởng cho các kế hoạch hoạt động thành công, hoàn thành công việc xuất sắc, … Tất cả những công việc của họ đều nhằm đảm bảo tính công bằng về quyền lợi của người lao động trong công ty với nhau, giữa công ty họ với công ty khác, và phù hợp với quy định lương thưởng và phúc lợi của Nhà nước.
- Chuyên gia phân tích công việc, thực hiện chỉ đạo các chương trình cho các công ty và có thể chuyên về những lĩnh vực chuyên môn như phân loại vị trí công việc. Họ thu thập và kiểm tra những thông tin chi tiết về yêu cầu công việc để chuẩn bị cho bản miêu tả công việc. Bản miêu tả công việc sẽ giải thích về những nhiệm vụ, đào tạo và kỹ năng mà từng công việc yêu cầu. Mỗi khi công ty lớn đưa ra một công việc mới và xem xét lại những công việc đang có thì công ty sẽ phải nhờ đến kiến thức chuyên môn của các nhà phân tích công việc.
- Chuyên gia phân tích ngành nghề thường là ở các công ty lớn. Họ thường quan tâm đến các hệ thống phân loại ngành nghề và nghiên cứu những ảnh hưởng của ngành và các xu hướng ngành nghề đến mối quan hệ giữa nhân viên và công ty (việc ở lại hay ra đi của nhân viên trong công ty). Họ cũng có thể làm các việc liên lạc thuộc kỹ thuật giữa công ty của họ với các công ty khác, với chính phủ và liên đoàn lao động.
- Nhân viên quản lý dự án, hỗ trợ nhân viên, còn được gọi là quản lý phúc lợi nhân viên là những người chịu trách nhiệm về rất nhiều chương trình bao gồm từ an toàn nghề nghiệp, tiêu chuẩn và thực tiễn về sức khỏe, kiểm tra y tế và chữa bệnh, các hoạt động trợ giúp, an toàn máy móc, xuất bản, dịch vụ lương thực thực phẩm, và nghỉ ngơi giải trí. Ghi nhận những đề xuất của nhân viên, chăm sóc cho trẻ em và người già, các dịch vụ hướng dẫn…
- Quản lý về đào tạo huấn luyện và phát triển: chỉ đạo và giám sát các chương trình đào tạo và phát triển cho nhân viên.
- Đào tạo huấn luyện nhân viên: đặt ra kế hoạch, tổ chức và chỉ đạo rất nhiều hoạt động đào tạo. Những người huấn luyện tư vấn cho các giám sát viên ở nơi làm việc về tăng hiệu quả làm việc và chỉ đạo các buổi giới thiệu định hướng, sắp xếp các đợt huấn luyện về công việc cho nhân viên mới. Họ cũng giúp nhân viên duy trì và nâng cao những kỹ năng trong công việc, chuẩn bị cho những công việc đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn. Họ giúp cho các giám sát viên nâng cao kỹ năng giao tiếp giữa người và người để làm việc hiệu quả với nhân viên. Họ có thể thiết lập các kế hoạch đào tạo cá nhân để củng cố thêm những kỹ năng đã có của nhân viên hoặc dạy cho người mới…
2.3. Maketing:
Đối với những doanh nghiệp lớn và kinh doanh nhiều nhãn hàng, bộ phận marketing được thiết kế bài bản và chuyên nghiệp với những vị trí Marketer khác nhau:
+ Chuyên viên marketing: Thực hiện những nhiệm vụ do Brand manager và/hoặc Marketing manager giao, chẳng hạn như: nghiên cứu khách hàng, đối thủ, môi trường kinh doanh; thực hiện và đánh giá kế hoạch marketing;…
+ Brand manager: Độc lập quản lý một hay nhiều nhãn hàng. Brand manager chịu trách nhiệm nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm, đảm bảo doanh số và lợi nhuận bán hàng và hoạt động khác liên quan đến nhãn hàng mình quản lý.
+ Marketing manager: Quản lý toàn bộ công việc marketing của doanh nghiệp nhỏ hoặc một ngành hàng của doanh nghiệp lớn. Thông thường, Marketing manager quản lý hoạt động của Brand manager và phân bổ ngân sách marketing phù hợp với chiến lược kinh doanh của công ty.
2.4. Tài chính:
- Chuyên gia phân tích tài chính
Nhà phân tích tài chính là chuyên gia cao cấp về ngành tài chính, họ có kiến thức chặt chẽ và sâu rộng về hệ thống tài chính, nắm vững kiến thức lý thuyết và thực tiễn của ngành công nghiệp đầu tư tài chính từ quản lí danh mục đầu tư đến xác định giá trị tài sản, từ chứng khoán phát sinh đến chứng khoán thu nhập cố định cũng như các phân tích định lượng; được đào tạo chuyên nghiệp, có những kiến thức và kinh nghiệm nhất định về tài chính đặt biệt trong lĩnh vực thẩm định đầu tư, phân tích kinh doanh; nắm rõ những qui định pháp luật về tài chính quốc tế, quản lí đầu tư và pháp luật nhà nước về qui định hàng hóa; ngoài ra cần có những kinh nghiệm liên quan đến hệ thống ERP(Enterprise Resource Planning: hệ thống quản trị tài nguyên doanh nghiệp) và sử dụng thành thục công cụ phần mềm quản lí dữ liệu.
- Môi giới chứng khoán
Là một chuyên viên chứng khoán, các nhà môi giới chứng khoán phải vượt qua những cuộc kiểm tra trình độ chuyên môn của ngành chứng khoán, trong quá trình làm việc phải tiếp tục hoàn thiện các điều kiện bắt buộc về chứng khoán.
- Giao dịch viên chứng khoán
Công việc này chủ yếu phục vụ cho những nhà đầu tư lớn, thường có xuất thân từ nhân viên giao dịch, nắm bắt tốt yêu cầu của khách hàng và làm chủ được thời gian mở phiên giao dịch. Họ có khả năng phát hiện sự thay đổi tinh tế trong mỗi phiên giảm sự mạo hiểm cho nhà đầu tư. Những người nằm ngoài cuộc thường cho rằng sự thành công của các phiên giao dịch hàng trăm tỉ đông đều do những sinh viên giỏi ở các trường đại học nổi tiếng đã phải tính toán cực kì kĩ lưỡng mới có được. Tuy nhiên trong thực tế, thao tác viên không phải là một ngành nghiên cứu học thuật. Không giống với suy nghĩ của nhiều chúng ta, các thao tác viên không phải làm việc trong môi trường căng thẳng hay bí ẩn, mà đòi hỏi sự tỉ mỉ cẩn trọng và thường bị cho là nhàm chán, bởi mỗi ngày công việc của họ hoàn toàn giống nhau. Tất nhiên sự ủy thác của khách hàng là đòi hỏi sự đầu tư của họ đạt được lợi nhuận cao nhất chính là áp lực của công việc này.
- Quản lí tài chính
Dưới mắt nhà đầu tư, quản lí tài chính là một nghề bí ẩn và nhiều màu sắc. Theo qui định của “chuyên gia chứng khoán”, nhà quản lí tài chính phải được giáo dục chuyên nghiệp và nghiên cứu theo chiều sâu, có phẩm chất đạo đức cao, có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành. Sự quản lí tài chính trong công ty có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Hiện nay, ở nước ta phần lớn các quỹ tài chính đều do lãnh đạo ban đầu tư chịu trách nhiệm quản lí. Các doanh nghiệp sẽ có những đặc điểm quản lí riêng và quyền hạn của nhà quản lí tài chính cũng rất hạn chế.
- Phân tích đánh giá bất động sản (CPV: Certified Public Valuer)
CPV có vai trò quan trọng trong quá trình giảm các chi phí giao dịch, tăng hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp, và hiện nay nguồn nhân lực trong lĩnh vực này chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp cộng thêm cửa ải chứng chỉ đang trở thành câu hỏi khó cho ngành dịch vụ hái ra tiền này.
2.5. Nghề kho vận và hậu cần:
Người làm trong ngành tham gia một quá trình kép kín từ việc lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và kiểm soát hàng hóa đến nơi tiêu thụ cuối cùng là người tiêu dùng. Logistics gồm rất nhiều dịch vụ như vận tải, kho bãi, xếp dỡ… với nhiều tiềm năng để phát triển. Sau khi ra trường, sinh viên có thể công tác tại các doanh nghiệp làm dịch vụ logistics, doanh nghiệp làm dịch vụ vận tải đa phương thức nói riêng và các doanh nghiệp dịch vụ vận tải, giao nhận nói chung, … Bao gồm:
– Dịch vụ vận tải hàng hải;
– Dịch vụ vận tải hàng không
– Dịch vụ vận tải thủy nội địa
– Dịch vụ vận tải đường bộ
– Dịch vụ vận tải đường sắt
– Dịch vụ vận tải đường ống.
Các dịch vụ logistics liên quan khác, bao gồm:
– Dịch vụ kiểm tra và phân tích kỹ thuật;
– Dịch vụ bưu chính;
– Dịch vụ thương mại bán buôn;
– Dịch vụ thương mại bán lẻ, bao gồm cả hoạt động quản lý hàng lưu kho, thu gom, tập hợp, phân loại hàng hóa, phân phối lại và giao hàng;
– Các dịch vụ hỗ trợ vận tải khác.
2.6. Kế hoạch - đầu tư - sản xuất
Tư vấn, giải đáp thắc mắc tại đây